Bá Nha - (Chung) Tử Kỳ

    [van hoa xa hoi]

    Bá Nha - (Chung) Tử Kỳ



    Tử Kỳ di hận thân tiên khứ
    Bá Nha suất cầm tạ tri âm

    Trong tiếng Việt, sự hiểu biết nhau, tâm đắc nhau, chia sẻ nỗi niềm trong tình cảm, cùng thể hiện quan niệm trong nhận thức, cách cư xử trong thế sự cuộc đời, thì đều được so với đôi tri âm của Bá Nha và Tử Kỳ.

    Bá Nha và Tử Kỳ là hai người bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sách Lã Thị Xuân Thu có chép: “Bá Nha gảy đàn, Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm”. Tử Kỳ còn khen tiếng đàn của Bá Nha lúc thì “Nguy
    Nguy Hồ Chí Tại Cao Sơn", lúc thì "Dương Dương Hồ Chí Tại Lưu Thủy”.

    Bá Nha, họ Du tên Thụy, là người quê ở Sinh Đô nước Sở, nhưng làm quan Thượng Ðại Phu nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời và không bao giờ rời cây Dao cầm yêu quý của mình.

    Tử Kỳ, họ Chung tên Huy, là một danh học sĩ, ẩn dật làm nghề đốn củi, để báo hiếu cha mẹ tuổi già nua, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương

    Năm đó, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua nước Sở. Trên đường về, khi thuyền đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu sáng trăng, phong cảnh hữu tình, Bá Nha cho lịnh cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi một vài khúc đàn, Bá Nha sai quân hầu lấy chiếc lư ra, đốt hương trầm, xông cây dao cầm đặt trên án. Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, so dây vặn trục. Sau đó đặt hết tâm hồn đàn lên một khúc réo rắt âm thanh, quyện vào khói trầm. Chưa dứt bài, đàn bỗng đứt dây.

    Bá Nha giựt mình tự nghĩ, dây đàn bỗng đứt thế nầy ắt có người nghe lén tiếng đàn, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người nghe đàn mà không lộ mặt. Quân hầu lãnh lịnh lên bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng:

    - Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành!
    Bá Nha cười lớn bảo:
    - Người tiều phu nào đó dám nói hai tiếng nghe đàn với ta?
    Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại:
    - Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: "Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín" (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến... Nếu đại nhân khinh chỗ quê mùa không người biết nghe đàn, thì cũng không nên khảy lên khúc đàn tuyệt diệu làm gì ở nơi thôn dã như thế này.

    Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, liền tiến sát đến mũi thuyền dịu giọng nói:
    - Người quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, biết vừa rồi ta khảy khúc gì không?
    - Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là: Ðức Khổng Tử khóc thầy Nhan Hồi, phổ vào tiếng đàn, lời rằng:


    Khả liên Nhan Hồi mệnh tảo vong
    Giáo nhân tư tưởng mấn như sương
    Chỉ nhân lậu hạng đan biều lạc

    Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu bốn là:


    Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.

    Tạm dịch thơ :


    Nhan Hồi mất sớm thật đau thương,
    Tư tưởng dạy người tóc bạc sương,
    Ngõ hẹp nước bầu cơm giỏ hẩm (1)
    Danh hiền lưu mãi cỏi trần dương.

    Tử Kỳ tinh thông nhạc lý, tinh tường Dao cầm, thấu rõ lòng Bá Nha qua tiếng đàn, lúc cao vòi vọi, chí tại non cao, lúc thì mênh mông trời nước bao la, ý như nước chảy. Bá Nha vô cùng bái phục và xin kết nghĩa anh em. Bá Nha mời Tử Kỳ cùng mình về kinh thành cùng nhau giúp nhau trên đường quan lộ. Vì chử hiếu phải phụng dưỡng cha già, Tử Kỳ xin hẹn lại lần sau. Trước khi chia tay, hai người hẹn gặp lại năm sau cũng tại chốn nầy.

    Mùa thu năm sau, khi Bá Nha trở lại Mã Yên thì Tử Kỳ, vì bệnh, mới chết mộ còn chưa xanh cỏ. Chung lão, thân phụ của Tử Kỳ đưa Bá Nha đến mộ. Bên phần mộ Tử Kỳ, Bá Nha lạy và khóc nức nở rằng: Hiền đệ ơi, lúc sống anh tuấn tuyệt vời, nay chết, khí thiêng còn phảng phất, xin chứng giám cho ngu huynh một lạy ngàn thu vĩnh biệt.

    Lạy xong, Bá Nha gọi đem Dao cầm tới, đặt lên phiến đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một cách nghiêm trang, so dây tấu khúc "Thiên Thu Trương Hận", tiễn người tri âm tài hoa yểu mạng. Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Gió rừng thổi mạnh, mây đen kéo lại, u ám bầu trời, hồi lâu mới tan. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán lặng tiếng. Bá Nha nhìn Chung lão thưa:

    - Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Cháu vừa đàn khúc đoản ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu, và xin đọc thành thơ đoản ca này:


    Ức tích khứ niên thu
    Giang biên tằng hội quân
    Kim nhật trùng lai phỏng
    Bất kiến tri âm nhân
    Đãn kiến nhất bôi thổ
    Thảm nhiên thương ngã tâm
    Thương tâm thương tâm phục
    Bất nhẫn lệ phân phân
    Lai hoan khứ hà khổ
    Giang bạn khởi sầu vân
    Tử kỳ tử kỳ hề
    Nhĩ ngã thiên kim nghĩa
    Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
    Thử khúc chung hề bất phúc đàn
    Tam xích dao cầm vị quân tử.

    Tạm dịch thơ:

    Từ nhớ đến mùa thu năm trước
    Bến trường giang gặp bạn cố nhân
    Năm nay lại đến Giang Tân
    Giòng sông lạnh ngắt cố nhân đâu rồi
    Buồn chỉ thấy nấm mồ bên núi
    Cõi ngàn năm chia cắt đau lòng
    Ôi thương tâm, ôi thương tâm
    Sụt sùi lai láng bao hàng lệ rơi
    Mây sầu thấp thoáng chân trời
    Đêm vui đổi lấy một đời khổ đau
    Tử Kỳ ơi, Tử Kỳ ơi
    Ngàn vàng khôn chuộc được bầu tâm can
    Thôi từ nay, thôi phím đàn
    Ngàn thu thôi hết mơ mòng cố nhân...

    Lời thơ vừa dứt, Bá Nha vái cây Dao cầm một vái, tay nâng Dao cầm lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tan nát tung từng mãnh, trụ ngọc, phím vàng rơi lả tả.
    Chung lão không kịp ngăn, hoảng kinh hỏi rằng:
    - Sao đại nhân lại đập vỡ đàn quí giá nầy?
    Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt:


    Suất toái Dao cầm phượng vĩ hàn
    Tử Kỳ bất tại đối thùy đàm
    Đại thiên thế giới giai bằng hữu
    Dục mịch tri âm nan thượng nan!

    Tạm dịch thơ:

    Đập nát Dao cầm đau xót phượng (2)
    Tử Kỳ không có đàn cho ai
    Bốn phương trờI đất bao bè bạn
    Tìm được tri âm khó lắm thay!

    Bá Nha từ chỗ coi khinh chú tiều phu nghèo này, đến chỗ phục tài cầm, kỳ, thi, họa và sự am hiểu âm nhạc của Tử Kỳ, hai người đã kết nghĩa huynh đệ. Một đời nguyện làm tri âm, tri kỷ của nhau.

    Chung Tử Kỳ đã chết, chỉ còn nấm mồ bên bờ sông vắng. Trước mồ bạn, Bá Nha gảy đàn, một bản đàn cuối cùng và đọc một bài thơ điếu từ bi ai. Đọc xong, ông lấy hết sức đập vỡ Dao cầm tan tành, vì cho rằng từ nay không còn ai có thể hiểu hết ý nhạc trong tiếng đàn của ông. Hay nói khác đi, không còn ai hiểu được Bá Nha, để có thể cùng Bá Nha đàm đạo, chuyện đời, chuyên thơ, chuyện thế sự,

    "Bá Nha - Chung Tử Kỳ" đã đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân gần như một thành ngữ chân chính. Trước hết nó phản ảnh sự tri âm trong thưởng thức thơ nhạc. Có người chơi đàn, làm thơ, mà không có người biết thưởng thức, hiểu ý trong từng lời lẽ như Chung Tử Kỳ thì khác nào "Đàn Gảy Tai Trâu".

    Về sau, ý nghĩa của từ Bá Nha - Tử Kỳ được hiểu rộng ra hơn. Dùng để đề cập đến sự đồng điệu, đồng cảm ở mức cao độ giữa con người với nhau trong mọi lĩnh vực mà không ràng buộc bởi không gian, thời gian và giai cấp.

    Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:


    Từ rằng : "Quốc sĩ xưa nay
    Chọn người tri-kỷ một ngày được chăng ? "


    "Rằng nghe nỗi tiếng cầm đài
    Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".


    (1) Nhan Hồi vui trong cảnh khốn khổ, sống trong ngõ hẹp dạy trẻ học chử thánh hiền, chỉ với giỏ cơm và bầu nước.
    (2) Dao cầm được làm từ phần gổ tốt nhất của cây ngô đồng. Khi xưa vua Phục Hy thấy 5 vì sao rơi vào cây ngô đồng, rồi có chim phượng hoàng đến đậu. Biết là gỗ quí, hấp thụ tinh hoa Trời Ðất, nên vua bảo thợ khéo lấy gổ chế làm nhạc khí gọi là Dao cầm, bắt chước nhạc khí ở Cung Dao Trì.


    Thanh Thủy.
    Đọc từ sách Trung Hoa Kim Cổ Kỳ Nhân.




    Posted by Thanh Thủy on September 17, 2008 at 15:28:58:


    [van hoa xa hoi]